Cái tên Mr. Pips từng làm mưa làm gió trên mạng xã hội với những video dạy đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn giúp người dùng nhanh chóng làm giàu. Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào nhoáng ấy là một sự thật đáng báo động khi mới đây, TikToker này đã bị cáo buộc đứng đầu đường dây lừa đảo với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vậy Mr Pips là ai? Cùng Influencervn đi sâu vào vụ việc này nhé.
Mr Pips là ai?
Phó Đức Nam, còn được biết đến với biệt danh “Mr Pips,” là một gương mặt nổi bật trên các nền tảng như TikTok và YouTube. Anh thu hút sự chú ý nhờ những video chia sẻ về cuộc sống xa hoa, hướng dẫn làm giàu và đầu tư tài chính.
Sinh năm 1994 tại TP. Vũng Tàu, Nam xây dựng hình ảnh bản thân như một “chuyên gia tài chính,” nổi bật với phong cách sống sang trọng và các nội dung dạy làm giàu được lan truyền rộng rãi.
Thường xuyên chia sẻ những kiến thức truyền cảm hứng làm giàu hão huyền
Sau khi đã biết Mr Pips là ai, chúng ta hãy cùng xem những chiêu trò lừa đảo phổ biến của hắn nhé. Phó Đức Nam thường xuyên chia sẻ các video với nội dung xoay quanh việc “truyền cảm hứng” làm giàu, hướng dẫn đầu tư vào chứng khoán, ngoại hối (Forex) và các thị trường tài chính quốc tế. Những video này nhanh chóng thu hút lượng lớn người theo dõi nhờ phong thái tự tin, kết hợp với việc anh thường xuyên giới thiệu tài sản cá nhân, từ siêu xe, nhà sang trọng đến danh mục đầu tư trị giá hàng triệu USD.
Trong video gần đây nhất, được đăng tải cách đây hơn 2 tháng, trước khi thông tin anh bị khởi tố xuất hiện, Nam đã tổ chức các buổi livestream kéo dài hơn một giờ. Tại đó, anh tự nhận mình là người có kinh nghiệm sâu rộng trong đầu tư quốc tế, đồng thời đưa ra các phân tích về giá vàng, tiền mã hóa và thị trường chứng khoán toàn cầu.
Đặc biệt, Nam công khai sở hữu tài khoản đầu tư trị giá lên đến 2 triệu USD và thường xuyên phát biểu: “Có người hỏi tôi đứng thứ mấy về độ giàu ở Việt Nam, nhưng điều quan trọng hơn là tôi có thể giúp các bạn kiếm tiền.”
Một trong những cách Nam thu hút người tham gia là kêu gọi cộng đồng gia nhập các nhóm đầu tư trên Telegram. Trong các nhóm này, anh chia sẻ chiến lược giao dịch thông qua hình thức “copy-trade”, một phương pháp cho phép người dùng sao chép giao dịch của các tài khoản lớn để hưởng lợi nhuận tương tự.
Copy-trade được Nam giới thiệu như một phương thức đầu tư “đơn giản”, không cần phân tích thị trường. Tuy nhiên, kết quả lời hay lỗ của người sao chép hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu suất giao dịch của tài khoản gốc. Để tạo niềm tin, Nam thường xuyên trình bày các giao dịch có lợi nhuận cao và tuyên bố bản thân đang “gồng lãi” trong các buổi livestream.
Ngoài việc nhấn mạnh thành công cá nhân, Nam cũng thường xuyên chia sẻ những thông điệp tích cực, bày tỏ mong muốn xây dựng một cộng đồng đầu tư tài chính minh bạch tại Việt Nam, mang đến kiến thức và cơ hội thay đổi cuộc sống cho mọi người.
TikToker Mr Pips cùng đồng bọn lừa đảo bị tóm gọn
Trong vụ án này, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố 26 bị can, trong đó có Phó Đức Nam (sinh năm 1994, được biết đến trên mạng xã hội với tên TikToker “Mr Pips”) và Lê Khắc Ngọ (sinh năm 1990), cùng 24 người khác. Những cá nhân này bị truy tố với các tội danh gồm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm” và “Rửa tiền”, theo quy định tại Điều 174, Điều 390 và Điều 324 của Bộ luật Hình sự.
Theo điều tra, từ tháng 6/2019, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ đã cùng nhau xây dựng một mạng lưới lừa đảo tinh vi, che giấu dưới hình thức một công ty môi giới chứng khoán quốc tế. Đường dây này sử dụng các trang web như artexvina.co, tạo dựng hình ảnh một doanh nghiệp chuyên nghiệp, thực hiện tuyển dụng nhân sự và mở chi nhánh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, và thậm chí ở Campuchia.
Nhóm này tập trung vào việc lừa đảo những người có nhu cầu đầu tư tài chính, tự nhận là chuyên gia tư vấn chứng khoán và giới thiệu các cổ phiếu của những tập đoàn lớn như Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft. Sau khi tổ chức các khóa học nhằm tạo niềm tin, nhân viên của đường dây tiếp cận khách hàng và hướng dẫn họ chuyển tiền thông qua các ví điện tử hoặc tài khoản thuộc các công ty “ma”.
Sau khi khách hàng quen thuộc với quy trình nạp và rút tiền, nhóm lừa đảo tiếp tục tư vấn họ đặt các lệnh lớn để “tối ưu hóa lợi nhuận”. Đồng thời, họ khuyến khích khách hàng vay đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, các giao dịch thường dẫn đến thua lỗ nhanh chóng, khiến tài khoản của khách hàng “cháy sạch”. Khi khách hàng mất hết tiền, nhóm này còn dụ dỗ họ tham gia vào một sàn giao dịch mới với lời hứa sẽ giúp lấy lại khoản đã mất.
Để vận hành kế hoạch lừa đảo, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ đã xây dựng một hệ thống tổ chức bài bản, bao gồm nhiều bộ phận như IT, hỗ trợ khách hàng, hành chính và an ninh. Các nhân viên được đào tạo kỹ lưỡng, không chỉ về giao tiếp mà còn về cách tạo niềm tin và thuyết phục khách hàng đầu tư vào các khoản tiền ảo.
Mô hình của Nam cũng thu hút khách hàng thông qua mạng xã hội bằng hình thức “copy-trade” – cho phép sao chép giao dịch của các “chuyên gia”. Người tham gia không cần phân tích thị trường nhưng kỳ vọng sinh lợi nhuận từ các giao dịch đã được sao chép. Để tăng sự thuyết phục, Nam thường xuyên khoe các khoản lợi nhuận lớn và tài khoản đầu tư lên tới hàng triệu USD.
Qua điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ và phong tỏa khối lượng tài sản lớn từ đường dây này, với tổng giá trị vượt 5.000 tỷ đồng. Số tài sản bao gồm 127 tỷ đồng tiền mặt, sổ tiết kiệm trị giá 306 tỷ đồng, 216 kg vàng, 128 bất động sản, 30 xe ô tô hạng sang, 9 tỷ đồng trái phiếu và nhiều tài sản giá trị khác. Vụ án chấn động giới tài chính này đã biến từ khoá “Mr Pips là ai” trở thành hot search trong thời gian qua.
Xem thêm: Diệp Lê Là Ai? Nàng KOC Xinh Đẹp Với Doanh Số Ngất Ngưởng
Như vậy, chúng ta đều đã biết Mr Pips là ai. Từ một TikToker được nhiều người yêu thích, Mr. Pips nay trở thành tâm điểm của dư luận với cáo buộc lừa đảo quy mô lớn. Câu chuyện của anh ta không chỉ là một bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người về những trò lừa đảo trên mạng xã hội, hãy tỉnh táo trước những lời hứa hẹn về giàu sang nhanh chóng!